14/11/12

Trà đàm về Sự Thấy và Khái niệm “Sai lầm” - Phần cuối


Nội dung sau đây được phiên tả lại từ buổi thảo luận nhóm về kết quả thực hành “Võ thấy” giữa Thầy Duy Tuệ và các hiền giả, buổi tối ngày 06/11/2012 tại bãi biển Pattaya.

Tiếp theo Phần đầu 

Quý vị thấy, đối tượng chúng ta nghiên cứu chính là sự thấy của chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta nghiên cứu chính sự thấy của chính chúng ta? Là vì sự thấy sẽ dẫn tới hành động. Không hành động nào mà không xuất phát từ sự thấy cả.

Nó có thể không xuất phát từ ý tưởng, không xuất phát từ mục đích, không xuất phát từ lòng mong muốn, tham lam, không xuất phát từ sự giận dữ hay từ thất vọng. Nhưng nếu nói nó không xuất phát từ sự thấy gì thì dứt khoát không phải. Chắc chắn là không phải!

Có thể xuất phát từ sự thất vọng mà dẫn tới hành động. Có thể xuất phát từ sự hy vọng mà dẫn tới hành động. Có thể xuất phát từ sự buồn đau mà hành động. Có thể xuất phát từ sự giận dữ mà hành động. Có thể xuất phát từ tưởng tượng mà hành động. Có thể xuất phát từ suy diễn mà hành động. Nhưng nói nó không xuất phát từ sự thấy là không đúng. Có thể nó không xuất phát từ những điều tôi vừa nêu lên, nhưng chắc chắn nó phải xuất phát từ sự thấy. Anh thấy kiểu gì thì không biết nhưng chắc chắn là phải có sự thấy can thiệp vào.

Chúng ta đang đi sâu vào một chuyện hết sức thực tế, hết sức cụ thể và hết sức cấp bách cho loài người.

Tôi nói như vậy có hợp lý không?

Nhãn Biến: Dạ, con thấy mình giận dữ, buồn chán… thì cũng từ sự thấy mà hành động.

Thầy Duy Tuệ: Có rất nhiều hành động mà không phải vì tôi giận quá tôi hành động, hay là tôi buồn quá tôi hành động, hay là tôi ham ăn quá tôi hành động, hay là vì cái này có lợi cho tôi tôi hành động, hay là vì cái này tôi thỏa mãn một cái gì đó tôi hành động, hay là vì tôi thương tôi hành động… Có thể không xuất phát từ những cảm xúc đó nhưng chắc chắn nó phải xuất phát từ một cái thấy, còn thấy kiểu gì thì chưa biết được. Mà đó là lý do buộc chúng ta phải nghiên cứu sự thấy của chúng ta. Cái này là cái đầu tiên nhất.

Hồi chiều tôi xem một phim con đại bàng đánh con chó sói, bắt con chó sói. Quý vị biết là chó sói dữ lắm. Nhưng con đại bàng mà đã đánh con chó sói thì con chó sói dứt khoát phải chết. Chó sói không thể thắng được chim đại bàng.

Quý vị thấy, chó sói đứng dưới đất. Bây giờ mình nói về vật lý thì chó sói cứ xà quần ở dưới đất thôi. Nó phải chạy qua, chạy lại rồi ngước lên trời dòm. Bây giờ nếu nói về cặp mắt không thôi thì cái thấy của con chim đại bàng với cái thấy của con chó sói thì đương nhiên là con chim đại bàng thấy rất tổng quát, chi tiết và thấy rất rõ. Chó sói không thể thấy rõ như chim đại bàng được, đúng vậy không? Nhiều khi chim đại bàng bay bên trên thì chó sói cũng không thấy nữa. Nhưng khi chó sói nghe đại bàng sà sát xuống và nghe tiếng gió quạt gần tới nó thì đại bàng đã sát bên rồi. Lúc ấy, con chó sói không thể kịp nhìn con đại bàng. Và chó sói theo quán tính là há mồm chụp con chim đại bàng. Nhưng trời sinh chim đại bàng ra có một cái luật rất đặc biệt. Sau khi nhìn nó biết, theo quán tính hay theo luật thiên nhiên gì đó, con chó thì phải luôn luôn há mồm sủa và cắn thì phải há mồm, nên nó liếc nhìn và hai cái chân đi ngay tới liền. Mà móng chân của chim đại bàng thì kinh hoàng lắm. Tôi thấy chim đại bàng đánh con sói thì lúc nào móng vuốt của nó cũng đi thẳng vào cái miệng con chó sói luôn. Vì con chó sói lúc nào cũng há mồm mà. Giật mình cũng há mồm, tấn công cũng há mồm… Không bao giờ nó ngậm mồm mà tấn công được. Khi nó há mồm thì móng vuốt của con chim đại bàng móc vô một cái thì chó sói không thể cắn được. Chó sói chỉ tìm cách vùng vẫy để thoát ra khỏi móng vuốt. Cái móng vuốt đã quắp vô rồi thì nó đau biết chừng nào. Mà nó quặt ngay vào chính vũ khí chính của con chó là hàm răng cắn.

Con đại bàng thì buồn cười lắm! Sau khi quắp vô rồi thì cứ tỉnh bơ, cứ lấy cánh quạt quạt và không có một chút sợ sệt, lo âu hay không có chút đối phó gì hết. Còn con chó sói thì lồng qua lộn lại, lồng qua lộn lại. Một con chim đại bàng khác phóng tới, phụ thêm vô nữa thì con chó sói chết rất nhanh. Còn nếu không có con chim đại bàng thứ hai thì con chó sói đó cũng đuối sức mà chết. Quý vị thấy cái thấy của con chim đại bàng ghê gớm lắm! Khi nó thấy chính xác thì hành động rất chính xác. Còn thấy không chính xác thì hành động không thể chính xác được.

Vừa rồi, có một hiền giả nữ trẻ có một cái thấy không chính xác mà dám khẳng định với tôi đó là người chồng tương lai của con trong bao nhiêu năm mơ ước bây giờ mới gặp. Quyết định coi như đó là người chồng của mình. Cho nên hành động lúc nào cũng đi với cái thấy. Mà cái thấy không chính xác thì đương nhiên không thể hành động chính xác được. Nhưng bây giờ nói anh thấy làm sao chính xác được? Cho nên biết bao nhiêu chuyện thấy không chính xác.

Bước kế tiếp của quý vị là nghiên cứu xem có bao nhiêu cái thấy căn bản mà mình hay sử dụng hàng ngày? Thấy từ quyền lợi, thấy từ khuynh hướng văn hóa, thấy từ sự ích kỷ, thấy từ cái sự ganh tỵ, thấy từ quan điểm riêng của mình, thấy từ niềm tin riêng của mình… Tức là quý vị phải phân tích cho được trong đầu quý vị có bao nhiêu khuynh hướng căn bản ảnh hưởng đến cái thấy của mình? Trong đó phải kể đến là các khái niệm như là lợi, hại, sai lầm… Những cái đó cũng chi phối anh nữa. Ví dụ là làm sao để tránh sai lầm? Anh bị khái niệm “sai lầm” nó dính trong đầu anh và bắt đầu cứ nhìn theo hướng đó hoài. Tối ngày anh cứ sợ chuyện sai lầm và anh tìm cách tránh sự sai lầm. Nhưng rốt cuộc, anh quyết định theo cách anh yên tâm nhất là không sai lầm thì cuối cùng cũng chính anh nói cũng không thể tránh được sai lầm và lần này sai lầm không giống lần trước. Như vậy thì cả đời mình không lúc nào không sai lầm. Nếu chúng ta căn cứ vào tránh sai lầm để chúng ta quyết định là chúng ta bị dính đòn hết. Cái này nó hơi sâu một chút. Quý vị có công nhận là nó tương đối tế nhị và hơi sâu một chút không?

Nguyên Trí: Dạ có.

Thầy Duy Tuệ: Cái này nó tế nhị, hơi sâu và đầu óc mình dễ bị lợn cợn chỗ này lắm. Nhãn Biến có công nhận nó lợn cợn không?

Nhãn Biến: Dạ có.

Thầy Duy Tuệ: Quý vị phải nghiền ngẫm cái này để từ đây cho đến khi quý vị tắt hơi thở cuối cùng, không bao giờ sợ mắc sai lầm và hai chữ sai lầm không bao giờ có trong đầu quý vị. Quý vị nhớ là tôi sống suốt mười mấy năm nay không có khái niệm gì trong đầu tôi cả. Điều đó không có nghĩa là tôi nhìn không sai lầm. Không phải tôi tài quá nên tôi có những quyết định chính xác và luôn luôn không sai lầm. Không phải như vậy. Cái cơ bản là tôi không bao giờ có khái niệm sai lầm hay không sai lầm trong đầu tôi. Vì quý vị có khái niệm sai lầm nên quý vị nhìn tôi quý vị bảo: “Công nhận, Thầy có những quyết định mặc dù ngày xưa là như thế, gia đình phản ứng này kia nọ khác với Thầy nhưng Thầy quyết định quá chính xác. Bây giờ gia đình cũng thấy hãnh diện vì Thầy, cũng này kia nọ khác, rồi gia đình cũng ổn định chứ đâu có gì khó khăn…”. Đại loại như vậy.

Quý vị nhìn tôi trên tia ánh sáng của vấn đề lợi hại hay là sai lầm hay là không sai lầm, chính xác và sai lầm... Quý vị nhìn y chang vậy thôi. Tức là cùng một lúc hai tia sáng nó phóng vô hoạt động của tôi, vô con người của tôi và vô gia đình của tôi. Một tia sáng là lợi hại, một tia sáng là sai lầm hay không sai lầm. Rồi quý vị bình luận, rồi bắt đầu viết sách ra.

“Thầy quyết định là không bao giờ sai lầm. Hay là Thầy quyết định như thế, lúc ấy gia đình chưa thấy quyền lợi gì nên gia đình phản ứng. Nhưng sau này gia đình thấy có quyền lợi về tinh thần, ít nhất là cũng cảm thấy danh dự với đóng góp của thầy đối với nền giáo dục Việt Nam… Cho nên gia đình thấy rất là hãnh diện…”.

Quý vị thấy không, nó trớt qướt hết. Quý vị sẽ nhìn tôi như vậy hết. Quý vị thấy chưa, nhìn như vậy là dính liền, không chạy đâu được hết. Bây giờ cái công việc của quý vị là làm sao không dính vô nhiều chuyện, không dính vô những thứ như vậy.

Bây giờ tôi trở lại chuyện cô kia, một là quyết định ly dị chồng ở lại quê hương, hai là bỏ quê hương quyết định đi theo chồng. Coi chừng cô đó cũng sẽ rối trí. Căn cứ nào, căn cứ vào đâu mà cho rằng đây là một quyết định phù hợp hay một quyết định đúng đắn? Trong trường hợp mình là cô đó, quý vị phát biểu đi. Cái này tôi gợi ý cho quý vị nhé, coi chừng những tia sáng trong đầu mình phóng ra. Gay go há, không dễ chút nào! Mà bây giờ phải quyết định chứ không phải nói khó là không quyết định à. Phải quyết định một trong hai.

Cho nên quý vị thấy không, ngay như đàn ông có vợ cũng vậy. Vợ mình với mẹ mình cãi nhau. Mẹ kêu về: “Này, tao nói cho mày nghe. Tao đẻ mày ra, tao nuôi mày từ nhỏ cho đến bây giờ biết bao nhiêu sự tốn kém. Bây giờ mày chọn con vợ mày hay mày chọn tao? Mày nói đi”. Thế là mình xót ruột quá lại về bạt tai vợ. Nhiều ông Việt Nam kỳ lắm, bạt tai ẩu ghê lắm! “Bà phải biết rằng tôi không thể có một người mẹ thứ hai được. Nhưng tôi có thể có mấy người vợ nữa, bà có biết như vậy không?”. Nói xong thì anh uống trà, nhấp nhấp mấy ngụm trà rồi bảo công nhận mình nói câu này quá chân lý!? Xong anh lại điện thoại về mẹ: “Mẹ à, cảm ơn mẹ. Vừa rồi con mới tát vợ con một bạt tai rồi. Con xin lỗi mẹ. Đúng thiệt! Làm sao mà vợ con hơn mẹ được. Mẹ thì chỉ có một thôi còn vợ không cần, con bỏ con này con lấy con khác. …”. Anh nói nghe cứ như là một người có chân lý cao siêu lắm. Rất là buồn cười. Mà cái này hình như phổ biến trong nước Việt Nam mình lắm chứ không phải không.

Quý vị thấy cái thấy của con người là như vậy. Anh hành động tát tai vợ anh là cũng do cái thấy. Mà mẹ anh nói như vậy thì cũng do cái thấy. Bây giờ vợ anh lép vế, đi lấy chồng khác không được nên đành để cho anh đánh bạt tai, thì cũng do cái thấy. Cô ấy thấy bây giờ mình đi lấy chồng khác cũng khó quá nên mình ráng ở với ông này, có đánh thêm mấy bạt tai nữa cũng không sao. Thì cũng do cái thấy thôi. Còn nếu người khác có cái thấy khác thì: “Giờ tôi bỏ anh tôi đi lấy người khác!” hay “Tôi ở vậy rồi sau này tôi tính. Tôi không chơi với anh nữa”. Thì nó cũng do cái thấy.

Anh không thể nói cái thấy đó đúng hay sai được. Anh khó nói cái thấy đó sai lầm hay không sai lầm. Cái này là tôi gợi ý cho quý vị dễ quyết định chứ tôi không có nói rõ ra, để cho quý vị khám phá.

Làm sao mình có một quyết định mạnh dạn được mà không bàn tới sai lầm mà cũng không bàn tới chuyện khác? Không bàn tới cái chuyện, sau khi phân tích tất cả sự ảnh hưởng rồi bây giờ mình quyết định sẽ chính xác hay là phù hợp. Khó lắm! Làm sao anh biết quyết định như thế này là phù hợp? Làm sao anh dám khẳng định anh quyết định như thế này là phù hợp? Chắc không? Hay là nghiên cứu thêm mười năm để có quyết định phù hợp? Khó há? Nói chơi chơi vậy nhưng đi sâu vô thì khó thiệt chứ không phải giỡn. Đây là thách thức của quý vị đó. Hay là quý vị bảo thôi khó quá mình niệm thần chú. Hay là khó quá giờ thần thánh chỉ cho con đường chứ bây giờ bí đường rồi.

Ngày xưa quý vị chưa học cái này sâu thì quý vị nói vậy được, niệm thần chú được hay là nhờ thần thánh được. Còn bây giờ quý vị đang học sâu vấn đề này, tôi đang dẫn quý vị đi rất sâu nên quý vị phải tự mình giải quyết.

Khó thiệt đấy chứ! Bây giờ tôi đặt quý vị hiền giả trong tình huống này: Giả sử trước khi quyết định việc này, quý vị đã bỏ ra một tháng nghiên cứu toàn bộ tính chất thấy của mình trong việc ở lại với cha mẹ, ở lại với quê hương, hoặc sau khi phân tích hết toàn bộ chuyện đi theo chồng hay phải ly dị chồng thì thấy là, bây giờ mình yên ổn rồi, mình hiểu hết rồi, thì sẽ căn cứ để quyết định phù hợp. Nhưng cũng rất khó, biết thế nào là phù hợp?

Lực Nhãn: Theo con, nếu cần quyết định thì quyết định nhanh chóng. Còn nếu còn chần chừ thì khoan hãy quyết định. Sau đó cũng không nên xem xét lại mình quyết định đúng hay không.

Thầy Duy Tuệ: Ví dụ bây giờ quý vị quyết định ở lại quê hương. Ở lại quê hương thì lợi nhưng biết đâu mình đi qua nước khác lợi hơn sao? Ở quê hương thì lương thấp nhưng quyết định ở lại? Bây giờ thế này, quý vị không phải vì quyền lợi mà quyết định ở lại, cũng không phải là vì ghét anh kia, sẵn cơ hội này thôi quyết định ở lại, xa anh ta luôn cho rồi, cũng không hẳn phải vì vậy. Cũng không phải mình ở lại là vì mình quyết định như vậy là phù hợp. Chắc gì nó phù hợp đâu.

Nhưng trong tình huống quý vị phải quyết định, không phải chờ sự may mắn gì đó xảy ra cho mình, hay anh chàng kia có tình ý đi theo cô nào nên mình lấy cái trớn đó quyết định ở lại, ví dụ vậy. Tức là mình đổ lỗi cho anh ta, rồi mình ở mình chờ một cơ may nó xảy ra để mình quyết định. Một trong những cơ hội may đó là anh kia ngoại tình, mình bắt gặp được thì thôi khỏi phải suy nghĩ nữa. Dẹp, ở lại cho rồi. Cũng không phải chờ đợi có sự may mắn theo kiểu đó được. Không thể chờ được, phải quyết định.

Thì sau khi quý vị xét tới xét lui đủ thứ rồi, bây giờ quý vị sẽ có một lý do để quyết định, chứ không phải là không có lý do quyết định. Có lý do. Nhưng không phải vì lợi hay cũng phải vì ghét anh kia; hay mình quyết định theo kiểu này thì có lợi cho mình, có lợi cho cha mẹ mình; cũng không phải quyết định như thế này là phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp như thế này, như thế kia; cũng không phải mình quyết định như thế này là theo một cảm tính, theo một cảm giác gì đó mà mình cảm thấy ok, cảm thấy dễ chịu mà mình quyết định, không hẳn vậy. Nhưng nó có một nguyên nhân trong đó. Nguyên nhân đó xuất phát từ cái thấy mà anh sẽ quyết định như vậy. Cái thấy như thế nào mà anh quyết định như vậy? Tôi loại trừ hết tất cả các cái kia ra rồi. Bây giờ còn lại một cái tôi không trả lời, cái đó quý vị phải tự khám phá ra mà quyết định. Dứt khoát phải quyết định. Hoặc phía này, hoặc là đi theo, hoặc là không đi theo. Mà không đi theo thì ly dị. Tình huống đặt ra vấn đề là ly dị. Chứ nếu mà ở lại và người kia vẫn đi, không có ly dị, rồi thăm tới thăm lui thì tôi không đặt vấn đề như thế. Vấn đề như thế thì dễ giải quyết quá cho quý vị. Cái phần đó quý vị tự suy tư, cho ý kiến và rồi quý vị sẽ quyết định sau.

Hay lắm đó! Hôm nay tôi gỡ cho quý vị tránh hết tất cả những ảnh hưởng rồi. Không phải là trúng hay trật, sai lầm hay là không sai lầm. Không phải quyền lợi hay không quyền lợi. Không phải là vì mình ưng hay không ưng. Không phải là phù hợp hay không phù hợp. Sau khi mình phân tích hết rồi, cái đầu mình nó ok hết rồi nhưng mà mình phải ra một quyết định. Vì lý do như thế này mình phải ra một quyết định. Nhưng lý do đó nó không dính tới tất cả những gì mà tôi phân tích cho quý vị. Ok, tôi quyết định như thế này, không nói đúng hay sai, không nói sai lầm hay không sai lầm, không có nói lợi hay là không hại.

Thầy Duy Tuệ: Có lẽ tôi cho rằng cái đó không khó quyết định đâu, cũng nhanh chóng quyết định thôi. Nhưng có lẽ tôi đưa vào tình huống như thế rất khó xử, rồi tôi phân tích thêm làm cho quý vị đi vào thế giới mênh mông của sự thấy, quý vị thấy quả thiệt là khó. Nhưng có một lý do rất là đơn giản thôi, quý vị ráng tìm lý do đơn giản đó.

Duyên Nhẫn: Quyết định thế nào cho đầu óc nó thoải mái chứ đừng đi sâu vào tính toán… Còn việc nó xảy ra như thế nào thì tôi cũng đủ bản lĩnh để tự do, vui vẻ với cuộc đời tiếp theo của tôi, chẳng ảnh hưởng gì tới việc ở hay đi…

Thầy Duy Tuệ: Cũng được, nhưng cũng chưa hẳn là thoải mái. Có nhiều khi không thoải mái gì hết nhưng mình quyết định như vậy thôi. Làm sao mà thoải mái được?

Bảo Tánh: Mình quyết định để mình khám phá sự chưa biết…

Thầy Duy Tuệ: Khám phá sự chưa biết cũng là động cơ tạo niềm tin để mình ra quyết định, thì cũng có thể có một phần. Tức là cái mình chưa biết thì bao la bát ngát. Mình đưa cái đó ra để nó tạo cho mình niềm tin, cho mình sức mạnh, thúc đẩy mình quyết định. Nếu người nào có gan thì cái đấy sẽ thúc đẩy cho mình quyết định. Người nào có gan lắm chứ cái đó không phải dễ.

Bảo Tánh: Mục đích của mình là khám phá sự thấy. Cho nên quyết định thế nào thì nó cũng mở ra cho mình một hướng…

Thầy Duy Tuệ: Ít ra thì cũng mở ra cho mình một cái hướng tương lai. Tức là quyết định của mình không hẳn đi vào ngõ cụt. Bảo Tánh đưa ra cái đó cũng được. Ít ra thì tương lai cũng còn một cái gì đó để mình hy vọng. Cũng được một phần, nhưng chắc phải thêm một chút xíu nữa. Nếu không đưa ra hướng đó thì cũng có thể mình đưa ra một quyết định.

Nhưng cũng có khi tới đó xong là không còn cảm hứng nữa. Thì cái Bảo Tánh đưa ra có thể là cảm hứng liên tục, nhưng phải có một cái nữa thì mới quyết định được. Hoặc Bảo Tánh cho là: “Tôi chấp nhận như vậy để khám phá tương lai thì sẽ quyết định được.”. Như vậy, Bảo Tánh tự mình chọn lựa con đường đó hay do mình phân tích toàn bộ cái thấy để mình ra quyết định đó?

Bảo Tánh: Cái quan trọng nhất trong cuộc đời của con là trí thấy nên con quyết định như thế.

Thầy Duy Tuệ: Đó là cái chọn lựa của mình, đúng không? Như vậy quyết định đó có ảnh hưởng bởi khuynh hướng nào hay khuynh hướng của ai tác động vô không? Chắc chắn, quyết định đó không có ai can thiệp vô, không ai tác động vô chuyện của mình, đúng không? Cũng không phải cha mẹ, cũng không phải hoàn cảnh, quê hương xứ sở, cũng không phải chồng tác động, cũng không phải là một khuynh hướng nào tác động mình, đúng không? Mà rõ ràng, mình có cái thấy riêng gì đó. Mình thấy rằng sau quyết định này, một cái chưa biết nó mở ra. Đó là cái thấy riêng của mình chứ mình đâu có bị ảnh hưởng gì đâu. Mình thấy riêng như vậy và tự mình chọn quyết định đó, chọn cách thức như vậy. Chọn như thế thì không dính vào cái chỗ là quê hương hay chồng. Nếu dính vào quê hương thì mình cũng thấy chưa vừa lòng, mà dính vô chồng thì cũng chưa hẳn là mình vừa lòng. Rõ ràng, quyết định của Bảo Tánh đưa ra như thế là Bảo Tánh không bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng nào, kể cả khuynh hướng quê hương hay khuynh hướng đời sống của chồng… Không phải vì quê hương thôi thúc mà mình quyết định, cũng không phải vì chồng như thế nào đó mà mình quyết định… Có phải vậy không, Bảo Tánh? Mà cũng không có bàn tới vấn đề sai hay đúng, đúng không?

Bảo Tánh: Vâng.

Thầy Duy Tuệ: Thì đó cũng là một cái thấy gì đó dẫn anh tới một sự lựa chọn. Mà cái lựa chọn đó là anh hoàn toàn chủ động, do anh quyết định sự chọn lựa như vậy chứ không ai xui khiến anh, không ai tác động anh cả. Anh đã phân tích hết tình trạng cái đầu anh rồi.

Bảo Tánh: Con xin hỏi thêm: “Tôi quyết định là tại vì tôi tò mò” có đưa đến quyết định phù hợp không?

Thầy Duy Tuệ: Tò mò làm sao?

Bảo Tánh: Là muốn khám phá cái mình chưa biết đấy ạ.

Thầy Duy Tuệ: Không, như thế này, cái này lý thú lắm. Có nhiều khi chúng ta bị lúng túng bởi thực tế đang diễn ra trước mắt. Mình cứ lần quần ở đó chọn lựa. Hồi nãy tôi đã nói với quý vị rồi, coi chừng tôi gài bẫy quý vị đó: tôi dùng chữ để gài bẫy quý vị. Tôi đưa ra hai tình huống, hai hoàn cảnh và quý vị xà quần miết trong hoàn cảnh đó. Hồi nãy thì quý vị xà quần trong khái niệm đúng sai, sai lầm hay không sai lầm, lợi hay hại. Còn bây giờ tôi đưa ra hoàn cảnh đó thì quý vị xà quần trong hoàn cảnh đó: hoàn cảnh trước mắt, rồi quý vị tìm ra phù hợp hay không phù hợp. Quý vị thấy chúng ta bị mắc bẫy như vậy. Bởi vì quý vị bảo không bám vào thực tế làm sao mà đúng? Không bám vào hoàn cảnh làm sao mà đúng? Phải bám vào hoàn cảnh. Thì cũng đúng, quý vị bám vào hoàn cảnh. Nhưng mà quý vị bám vào hoàn cảnh mà hoàn cảnh đó là cái cớ để cho quý vị hành động thôi. Quý vị có hiểu được cái này không? Nếu quý vị xà quần miết trong hoàn cảnh thì quý vị sẽ không có lối thoát. Mẹ đúng, quê hương đúng hay chồng đúng? Tức là hoàn cảnh mà. Thì quý vị sẽ không có lối thoát.

Nhưng bây giờ, quý vị bảo nếu không căn cứ vào hoàn cảnh thì hóa ra mình là người không thực tế. Cái này lý thú nữa đây. Hồi nãy tôi lột bỏ cho quý vị sự ảnh hưởng của quan niệm “sai lầm hay không sai lầm”, quan niệm về “quyền lợi hay không quyền lợi.”. Bây giờ tôi lột cho quý vị hoàn cảnh cụ thể. Đa số chúng ta không dính cái kia thì cũng dính cái này. Lột hết cái kia rồi thì giờ quý vị dính vô hoàn cảnh. Quý vị bảo bây giờ phân tích hoàn cảnh để phù hợp thì quý vị dính vô hoàn cảnh. Mà đã dính vô hoàn cảnh rồi thì quý vị thấy là không dễ quyết định đâu, khó lắm. Biết thế nào là phù hợp? Rồi cuối cùng mình quyết định, vì hoàn cảnh như thế nên tôi phải quyết định như thế. Lúc quyết định xong rồi thì mình bảo: “Chết cha rồi, cái này lại là sai lầm nữa!

Cái này hay lắm. Quý vị chịu khó suy tư cái này thì cũng lý thú lắm. Lý thú thiệt đó. Mà chúng ta hay bị dính vào. Trong đầu không dính khái niệm, không dính quan niệm, không dính quan điểm, không dính kinh nghiệm thì cũng dính cái hoàn cảnh bên ngoài, xà quần miết. Thú vị há!

Bảo Tánh: Thầy đưa ra ví dụ bên ngoài cho tụi con dễ hiểu ạ.

Thầy Duy Tuệ: Bây giờ Bảo Tánh đang đi dạy học thì cái thực tế là đang dạy học. Vậy thì, coi chừng hoàn cảnh đó nó làm cho đầu óc mình xà quần, tăm tối, không dám quyết định gì hết. Bởi vì quyết định cái gì cũng chưa chắc phù hợp với hoàn cảnh. Hay mình quyết định cái gì thì nó cũng ảnh hưởng tới hoàn cảnh. Sợ ghê lắm, nhiều vấn đề lắm, không đơn giản đâu. Vì nó làm cho mình bị ám ảnh, thành ra mình xà quần miết trong hoàn cảnh.

Duyên Nhẫn: Bây giờ Thầy bảo là không dựa vào hoàn cảnh để đối chiếu nữa thì mọi người bế tắc liền…

Thầy Duy Tuệ: Hôm trước, bài học là dựa vào hoàn cảnh để khám phá sự thấy và khám phá tính chất thấy. Hôm nay thêm điều này nữa. Cái này nó sâu lắm. Mình không biết dùng từ nào để nói được. Nhưng thực thế nó có. Mình bớt dùng từ ngữ, dùng từ ngữ nó bí. Không cần tìm từ ngữ để dùng, không cần dùng chữ nghĩa. Nhưng quý vị thấy, đó là những cái vướng vào cái nhìn của chúng ta.

Sau khi phân tích hết, lột dần hết cho quý vị rồi thì cái nhìn nó không vướng nữa. Tức là quý vị mở ra một cái thấy không có bị vướng nữa. Bây giờ cái thấy không vướng nữa thì làm sao? Thì quý vị trở thành một đấng sáng tạo thôi. Tự mình ra quyết định, tự mình phát ý tưởng để ra quyết định. Đây mới là ý tưởng của trí chủ
(kiến thức riêng, cái thấy riêng).

Ví dụ như hồi nãy Bảo Tánh nói, bây giờ tôi không vướng hoàn cảnh, không vướng đúng sai, tôi phân tích hết rồi, cái đầu tôi không vướng gì nữa hết rồi. Bây giờ cái thấy của tôi ngay về đối tượng cũng không vướng nữa. Tức là cái đầu của tôi không vướng về đối tượng bên trong và về bên ngoài tôi cũng không vướng luôn. Bây giờ cái quyết định của tôi là nhờ cái đối tượng đó tôi phân tích hết toàn bộ cái thấy của tôi và cái thấy của tôi không còn bị vướng nữa. Bây giờ tôi phải sáng tạo ra một ý tưởng để tôi quyết định. Ví dụ như cái ý tưởng đó là gì? Chấp nhận quyết định kiểu này để chờ xem một sự khám phá mới. Đó là một ý tưởng.

Như vậy tức là quý vị không nói sai lầm hay là không sai lầm nữa. Bây giờ quý vị làm vai trò của thượng đế, làm vai trò của một đấng sáng tạo. Sau khi cái thấy của quý vị thông hết rồi thì bây giờ công việc kế tiếp của quý vị là trở thành một đấng sáng tạo. Mình sáng tạo ra chính cuộc đời của mình. Không ai sáng tạo ra cuộc đời của mình được. Tôi không phải là người sáng tạo ra cuộc đời quý vị được.

Trước nay chúng ta sống theo cách khác. Bây giờ tôi chỉ cho quý vị tới đây rồi, mình xem bản chất vấn đề đó rồi, thông vấn đề đó rồi, không còn bị vấn đề đó gây rối cho cái thấy mình nữa và cái thấy của mình không còn khuynh hướng gì nữa, cũng không có lý do gì nữa. Tất cả những lý do mình đã học hỏi, đã nghiên cứu thì giờ mình đã phân tích xong hết rồi. Bây giờ cái đầu mình nó trống trơn rồi, thì còn lại là cái gì? Còn lại là đấng sáng tạo. Bây giờ anh phải sáng tạo ra cuộc đời của anh. Sáng tạo rồi thì đó là do quyết định của mình. Mình đã sáng tạo ra cuộc đời của mình thì mình ok với nó, chứ đòi cái gì nữa. Bảo Tánh rõ không?

Bảo Tánh: Con thấy mình phải thí nghiệm nó như thế nào….

Thầy Duy Tuệ: Không phải thí nghiệm mà là anh bản lĩnh hay không bản lĩnh. Nếu như anh không có bản lĩnh có nghĩa là cái thấy của anh còn bị ảnh hưởng. Cái thấy của anh còn bị ảnh hưởng cái gì đó nên anh sợ. Còn anh đã có một cái thấy hết sức ok, tức là phần dính líu gì đến cái sợ không có nữa, thì gặp vấn đề là anh ok liền, anh làm “cái bụp” liền, có gì đâu. Còn ai hỏi thì mình trả lời “Đó là cuộc đời của tớ chứ không phải của cậu. Tớ quyết định như vậy, tớ định hướng cuộc đời của tớ như vậy, nhất là lúc này”. Vững vàng, không bị lung lay.

Chứ không thì anh giở sách ra đọc rồi đi hỏi lung tung ông thầy. Cuối cùng không ai trả lời được thì anh đi kiếm thầy bói hay giở tử vi ra thì coi như xong!

Phải tự tin: “Tớ quyết định cuộc đời tớ như vậy. Tớ không bị ảnh hưởng bởi cái gì hết. Tớ không lệ thuộc hoàn cảnh. Tớ không lệ thuộc những quan niệm, những ý tưởng, những niềm tin, những đức tin, những khuôn mẫu gì hết. Không ai tác động tới tớ, không ai xúi tớ. Tớ quyết định như vậy. Tớ hết sức độc lập. Từ đây về sau tớ sẽ sáng tạo cuộc đời của tớ như vậy. Bây giờ tớ có bức tranh rồi, rồi tương lai sẽ mở ra cho tớ”.

Xong, vậy thôi.

Hay lúc đó lại nói: “Bây giờ mình sáng tạo như vậy người đời họ bình luận thì làm sao?” hay “Lỡ hàng xóm nó bình luận thì làm sao?”

Như thế là anh lại xà quần nữa. Anh đã là thượng đế mà anh còn sợ bình luận tới anh, thế là chết rồi! Anh đang làm công việc của một đấng sáng tạo. Tôi nói “thượng đế” ở đây có nghĩa là ý tôi muốn nói quý vị đang làm công việc của một người sáng tạo độc lập. Còn bây giờ nếu anh bảo là một con người không thể có sáng tạo độc lập được thì kệ anh, anh muốn vậy thì cứ sống vậy đi.

Nhưng hiền giả Minh Triết thì không sống vậy. Hiền giả Minh Triết phải là một con người sáng tạo độc lập. Tôi nói vậy chứ đương nhiên không phải là dễ. Bởi vì những ảnh hưởng còn trong đầu của chúng ta. Chúng ta sợ chuyện này, sợ chuyện kia, sợ chuyện nọ đủ thứ chứ không đơn giản. Sợ lắm. Sợ mẹ buồn, sợ cha buồn, sợ con giận, sợ con buồn, sợ xã hội bình luận. Tôi cũng sợ chứ. Từ cổ chí kim ai không sợ.

Tôi đọc lịch sử huyền thoại của ngài Giêsu. Hồi đó ngài hỏi đức Chúa Cha, bây giờ con có nên ra chấp nhận cho người ta hành hình con không? Hay là con chờ Cha đưa thần thông xuống đây để cứu con?

Sợ chứ! Ổng cũng sợ bị đưa lên, sợ đau. Nhưng cuối cùng ổng nghiến răng, thôi, cái này chắc ý cha rồi, con ok luôn. Ví dụ vậy.

Còn bây giờ nếu quý vị nào sợ, bảo thôi thầy quyết định sao con theo vậy cho nó chắc ăn. (Cười). 


Thì nếu tôi còn khỏe, tôi còn tỉnh táo, tôi giúp cho quý vị, đưa ra quyết định dùm cho quý vị được. Nhưng quý vị đông quá thì sao tôi làm hết. Thứ hai là tôi phải dành thời gian để nghỉ ngơi nữa chứ, nếu quý vị bắt tôi làm hoài vậy cũng đâu có được.

Nhãn Biến: Làm được như vậy thì phải nói là quá bản lĩnh…

Thầy Duy Tuệ: Anh đã xét cái tính thấy của anh tự do rồi, tại sao anh sợ? Anh xét tính thấy của anh và thấy nó tự do rồi. Tự do với quyền lợi, tự do với phong tục tập quán, tự do với ý tưởng của cha mẹ, tự do với nguyện vọng của ai đó, tự do với ý muốn, tự do với ý thích, tự do với tình cảm của anh rồi thì còn sợ gì nữa. Anh còn sợ, anh không có bản lĩnh có nghĩa là anh còn ảnh hưởng trong cái thấy. Cái thấy của anh còn bị ảnh hưởng. Một loạt video clip nằm ở trong đã ảnh hưởng lên nó nên anh sợ.

Ở đây mình nói là bản lĩnh, tức là mình nói vậy cho vui thôi, chứ nếu không bị ảnh hưởng bởi mấy cái video clip làm cho mình sợ thì đâu có gì bản lĩnh. Mà cũng không đặt ra vấn đề bản lĩnh để làm gì nữa. Hiểu không?

Thầy Duy Tuệ: Ví dụ như ngày xưa tôi cũng bày ra tên “Duy Tuệ”. Bây giờ tôi không thích tên “Duy Tuệ” nữa thì tôi đổi là “Tuệ Duy” cũng được vậy, hay là đổi tên khác cũng được vậy. Nếu tôi không dám đổi tên khác thì tôi bảo cái này “Duy Tuệ” là có thiệt nghen, cái này bỏ uổng lắm đó nghen. Cái này nổi tiếng rồi nghen, cái này anh em người ta quen biết, người ta cũng có tình cảm với cái tên này rồi nghen, mà mình bỏ thì coi bộ cũng kỳ lắm đó nghen… Ví dụ vậy. Tức là tôi còn lấn cấn nhiều vấn đề. Tức là cái thấy của tôi như thế nào đó không biết, nhưng thế nào cũng bị mấy video clip trong đó chi phối nên tôi không dám đổi. Đổi thì mình cảm thấy uổng quá. Cái tên này bao nhiêu lâu nay anh em người ta quen, đổi kỳ quá. Hay người ta bảo cái thằng cha này bất chấp, nội cái tên mà cứ đổi hoài. Thế là cái thấy của mình thế nào không biết, mình lấn cấn.

Bây giờ tôi cứ cười, tôi cứ vui vậy thôi. Bữa nay Duy Tuệ, ngày mai Tuệ Duy được không? Đâu có chết chóc gì đâu. Duy Tuệ đâu phải là tôi mà Tuệ Duy cũng đâu phải là tôi. Nay mai đây tôi lấy cái tên rồng rắn thì cũng đâu phải là tôi đâu. Có gì đâu mà phải chần chừ. Đại loại giống vậy. Nếu có chần chừ thì chẳng qua là vì quyền lợi của anh em. Vì quyền lợi của anh em theo học với mình, sợ đụng chạm đến tình cảm anh em thì thôi để cho anh em quen quen dần dần đi rồi mình đổi cũng được hay là làm sao… Đại loại vậy.

Đạt tới trình độ nào đó thì cái chuyện dũng cảm, bản lĩnh không đặt ra nữa. Nhưng bây giờ mình còn ở cái chỗ là còn một số điều liên quan ràng buộc này, ràng buộc khác, mình vị nể nhau một chút xíu cho nên mình phải dùng cái chữ bản lĩnh để mình đẩy mạnh hành động của mình. Chứ sự thật ra là nếu đạt một cái thấy chắc thật chắc rồi, thật là vững rồi thì vấn đề bản lĩnh không đặt ra nữa.

Cảm nhận được không quý vị? Cảm nhận thì cảm nhận được nhưng không phải dễ.

Bây giờ quý vị nhớ thế này nhen, tôi nhắc cho quý vị không biết lần thứ mấy là hoàn toàn tôi không nhìn thấy trước và cũng không có ý tưởng trước, tôi không có sự sắp đặt trước. Giống như là thế này, trong đầu tôi như có một cái đèn nó chiếu ra, tất cả tâm hồn của quý vị nó giống như những cái màn ảnh. Cái đèn tôi chiếu ra rất rõ màn ảnh. Cái đèn của tôi chiếu ra không có video clip nào hết, nó chỉ chiếu ánh sáng thôi. Màn ảnh đó là của Lực Nhãn, của Năng Pháp, của Nguyên Trí… hay của quý vị khác. Bây giờ cái đèn nó sáng nó chiếu vô màn ảnh. Xong rồi thì cái đèn này nó làm chức năng thứ hai là tiếp nhận cái ảnh trên màn ảnh đó. Nó tiếp nhận những gì nằm trên màn ảnh, nó nói ra, rồi quý vị nghe.

Như vậy là trong số quý vị đang nghe đây sẽ có người thấy rằng cái sự thẩm thấu cái thấy của quý vị, cái ưu tư của quý vị rất là sâu. Tức là cái đèn chiếu của tôi nó chiếu vào nỗi ưu tư của quý vị. Mà cái đèn chiếu của tôi không có một clip nào hết. Nó phóng ra, nó thấy nỗi ưu tư sâu thẳm. Nhiều khi nỗi ưu tư đó quý vị không biết, không nhận ra. Bây giờ cái đèn chiếu của tôi nó thấy sâu quá và nó nói ra cho quý vị. Đó là lý do tôi nói tại sao tôi không hề biết trước, không hề chuẩn bị trước, không có ý tưởng trước, không có gì trước cả. Cứ ngồi lên a lô nói chuyện với quý vị, lát hồi tôi thấy sao thì nói vậy thôi. Một lần nữa tôi khẳng định là trong tâm tư, trong cái thấy của quý vị đã bắt đầu rất sâu. Cũng như suốt một thời gian dài đến giai đoạn này, giai đoạn này tôi nói thì quý vị thấy không còn giống với giai đoạn trước nữa. Điều đó không có nghĩa là tôi nghĩ hay tôi sắp ra chương trình đó. Mà chính chiều sâu nhìn thấy của quý vị, màn ảnh của quý vị chứa những cái đó, cái đèn tôi chiếu ra, tôi thấy sao thì tôi nói lại vậy. Quý vị cứ hiểu như vậy và yên lòng. Vì như vậy là quý vị đã khá lắm rồi.

Một lần nữa, quý vị cũng dễ dàng thấy rằng tất cả những điều tôi nói là không có soạn bài trước, không phải thấy trước, không phải tôi nghĩ ra được và cái đó không phải là kiến thức của tôi. Cái thấy của tôi nó thấy quý vị và nó cho quý vị biết vậy thôi. Vì cái đó chính là quý vị, cái nội dung đó là nội dung của quý vị. Quý vị đang ở cái tầm đó nhưng nó sâu quá quý vị không cảm nhận được. Bây giờ tôi trục nó ra cho quý vị thôi chứ cái đó không phải là tôi nghĩ ra đâu. Quý vị có hiểu được sự thấy và cách làm việc của đầu óc chưa? Cái đầu óc của tôi nó phục vụ cho sự thấy. Cái bộ não của tôi nó phục vụ cho sự thấy.

Nguyên Trí: Hình ảnh nó vô đầu mình rồi thì nó trở thành cái kho kinh nghiệm đồ sộ nằm trong đó. Vậy thì tại sao cái kho kinh nghiệm đó của Thầy nó mất đi và nó mất đi lúc nào để mà bây giờ Thầy trở thành ánh sáng thấy?

Thầy Duy Tuệ: Từ khi mà tôi có trải nghiệm đặc biệt thì từ đó tôi không còn tin vào nữa, không dựa vào suy nghĩ, không dựa vào tính toán, không dựa vào vào đúng sai, không dựa vào khái niệm gì hết, không dựa vào định nghĩa… Gần như tôi bỏ sạch luôn.

Nguyên Trí: Như vậy nếu tụi con tập theo kiểu này thì bao giờ tụi con mới xóa được kho kinh nghiệm trong đầu?

Thầy Duy Tuệ: Cho nên quý vị phải đặt câu hỏi với chính mình liên tục. Khi nhìn một đối tượng bên ngoài, đặt câu hỏi với đối tượng đó, đặt câu hỏi với cái đầu của mình, đặt câu hỏi với sự thấy của mình. Đặt miết, đặt hoài, đặt hoài, đặt hoài… Càng đặt, càng khám phá ra. Và khi khám phá ra thì tự nhiên mình không còn tin vào các sự thấy đó nữa.

Vì vậy, cho nên tôi bảo quý vị phải phân tích cái sự thấy căn bản mà quý vị bị ảnh hưởng. Nó có bao nhiêu loại căn bản? Những tình trạng thấy do bị ảnh hưởng bởi khái niệm đúng-sai hay khái niệm quyền lợi, khái niệm vinh nhục, rồi những sự thấy ảnh hưởng do bởi khuynh hướng đức tin, rồi sự thấy ảnh hưởng bởi ý thức hệ chính trị, sự thấy ảnh hưởng bởi quan điểm đạo đức, sự thấy bởi quan điểm lịch sử… Anh phải tự phân tích ra. Anh biết trong đầu mình nó bị ảnh hưởng bởi những sự thấy gì, căn bản là bao nhiêu thứ? Ví dụ là 50 thứ. Thì anh biết như vậy và để ý đừng tin nó nữa. Khi anh không tin nó nữa, anh cứ cố gắng để ý tới nó hoài thì tự nhiên nó mất tác dụng. Còn sử dụng khái niệm thì biết là bây giờ mình không có tin khái niệm này, vì dễ bị hiểu lầm. Muốn sử dụng khái niệm này thì hiểu nó làm sao, giải thích nó làm sao, dùng nó làm sao… Anh phải tập, tập miết thôi.

Ví dụ khi Nguyên Trí nói với vợ “Anh thương em lắm”. Dùng chữ “thương” đó thì anh phải tự hiểu là mình muốn nói cái gì với vợ đây? Cái chữ “thương” này liệu nó phù hợp hay không phù hợp? Anh phải tự biết, tự biết… để anh sẽ tự do với cái chữ anh dùng và anh biết rất rõ cái chữ này anh dùng là để anh diễn tả cái gì, thì tự nhiên nó không còn tác dụng nữa. Tức là anh vẫn dùng nó nhưng nó không có tác dụng, anh không bị hiểu lầm nó nữa.

Ví dụ mình nói mình thương bả. Cái chữ “thương” này có thể làm cho bả nghe sướng lỗ tai, nhưng ý mình muốn nói cái gì? Ý mình muốn chỉ cái gì ở đây? Mình chỉ sự chia sẻ của mình về cảm giác, về cảm xúc hay chia sẻ về tiền bạc, hay chia sẻ về sức khỏe, hay chia sẻ về việc làm, hay chia sẻ về thời gian đây? Rồi từ đó tự nhiên mình sẽ tự do với cái chữ đó. Có thể mình sẽ dùng nó lại nhưng mình vẫn tự do với sự chi phối của nó. Cứ tập miết thì nó quen đi thôi.

Ví dụ bây giờ tôi nói “Coi chừng có những quyết định sai lầm nghe Nguyên Trí”. Thì tự nhiên trong đầu tôi tôi dùng chữ “sai lầm” đó là tôi muốn nói cái gì chứ không bao giờ tôi nói ẩu được. Và tôi giải thích, nói rõ thêm. Cái phần nói rõ thêm, tức là giải thích chữ “sai lầm” đó là muốn nói cái gì. Còn nếu anh nói coi chừng sai lầm đó, làm như thế là sai lầm. Nói tới đó thôi tức là anh chưa thấy vấn đề. Còn nếu anh nói thêm nữa, nói thêm nữa, nói chi tiết nữa… tức là anh dùng chữ “sai lầm” để anh nói những vấn đề sau đó. Và hai chữ “sai lầm” chẳng qua nó chỉ là một khái niệm, còn những chữ sau đó là giải thích hai chữ “sai lầm” đó là cái gì. Thì anh sẽ tự do dần dần với khái niệm hết.

Nguyên Trí: Rốt ráo lại mình cứ đặt câu hỏi mãi, mãi, mãi về nó…?

Thầy Duy Tuệ: Tôi hướng dẫn thì quý vị cứ làm như vậy. Bây giờ quý vị không làm mà ngồi đó chờ để hiểu hết tất cả những vấn đề thì không cách gì có thể hiểu được. Quý vị phải làm, rồi quý vị sẽ hiểu dần. Nhiều khi tôi không muốn giải thích nhiều, tôi tập cho quý vị bấy nhiêu, còn để quý vị tự tập lấy. Chứ bây giờ càng giải thích cho quý vị thì quý vị càng chết luôn. Mình phải tự đặt câu hỏi và mình phải tự trả lời chứ không thể bắt tôi trả lời được. Tôi chỉ gợi ý cho quý vị những con đường chính thôi, rồi từ đó quý vị đi nữa… Hiểu không?

Nguyên Trí: Dạ.

Thầy Duy Tuệ: Hôm nay như vậy là được rồi nhé. Tạm biệt quý vị.
 


Mời quý vị đón đọc các cuộc trà đàm tiếp theo.
Nhóm biên tp
Tất cả các nội dung nói chuyện của tác giả Duy Tuệ do Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết độc quyền phát hành dưới hình thức sách, CD và DVD. Mọi nhu cầu đặt và mua các ấn phẩm của tác giả, xin vui lòng liên hệ công ty tại website www.minhtriet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét