Hôm nay tôi ngồi ngoài bờ biển này và đột xuất tặng cho quý vị một món quà vô giá. Món quà này tôi không có dự định trước. Ngồi đây, nói chuyện chơi với quý vị thì nó ra vậy thôi, chứ tôi không có ý định và không biết trước. Nhưng tôi thừa nhận đây là một món quà vô giá, tôi đang tặng quý vị một món quà vô giá. Nếu quý vị suy tư cho thiệt sâu, nhìn cho thiệt kỹ thì quý vị sẽ thấy đây là món quà vô giá cho cuộc đời quý vị.
Nội dung sau đây được phiên tả lại từ buổi thảo luận nhóm về kết quả thực hành “Võ thấy” giữa Thầy Duy Tuệ và các hiền giả, buổi tối ngày 06/11/2012 tại bãi biển Pattaya.
Thầy Duy Tuệ: Hôm nay, tôi ôn bài cho các hiền giả trong ban biên tập và các hiền giả trong tour trải nghiệm Pattaya đợt vừa rồi. Tôi phải ôn bài, chứ không thì quý vị dễ quên lắm.
Bây giờ, tôi ôn bài bằng cách là tôi hỏi quý vị. Tôi đặt câu hỏi rồi quý vị xung phong trả lời nhé. Đối tượng nghiên cứu trong môn học “Khai mở Trí thấy” là gì? Cái gì là đối tượng nghiên cứu chính? Quý vị nào trả lời được? Tôi ôn lại ngắn thôi, quý vị sẽ rất dễ trả lời. Duyên Nhẫn, Nguyên Trí, Tịnh Trí, Minh Trí, Bảo Tánh, cô Tịnh Tuệ… và các hiền giả khác ở châu Âu hay Mỹ hãy trả lời xem!
Nguyên Trí: Đối tượng chính cho chúng ta nghiên cứu là cái thấy.
Thầy Duy Tuệ: Nguyên Trí nói đó là cái thấy.
Nguyên Trí: Dạ, đó là sự thấy.
Thầy Duy Tuệ: Sự thấy của mắt hay sự thấy phía sau mắt, bên trong?
Nguyên Trí: Sự thấy từ bên trong.
Thầy Duy Tuệ: Nguyên Trí trả lời như vậy có quý vị nào đồng ý không? Có ý kiến nào khác không?
(Im lặng một lúc, chưa thấy ai trả lời)
Thầy Duy Tuệ: Trong room mọi người có nghe rõ không Tịnh Trí?
Tịnh Trí: Nghe rõ ạ.
Thầy Duy Tuệ: Nghe rõ sao không thấy ai phát biểu. Quý vị đừng cho đây là dễ, đừng nghĩ rằng nó quá dễ, quá đơn giản.
Tuệ Nhẫn Hạnh: Theo con là nghiên cứu hình ảnh phóng ra ở bên trong đầu óc mình khi mình thấy đối tượng bên ngoài.
Thầy Duy Tuệ: Ok, đó cũng là một ý kiến. Cảm ơn Nhẫn Hạnh. Còn ai có ý kiến gì nữa không?
Năng Pháp: Nghiên cứu bộ máy chiếu hình trong đầu mình để từ đó mình thấy rõ và vận hành nó.
Thầy Duy Tuệ: Một ý kiến nữa. Tôi tiên đoán trước, trong tương lai Năng Pháp sẽ phát triển nhiều lắm. Năng Pháp sẽ phát triển rất nhiều, tương lai sắp tới, tương lai gần thôi. Mời quý vị khác.
Quý vị phải trả lời trong thế chủ động của quý vị. Đừng để lời của tôi dẫn quý vị đi. Để lời tôi dẫn đi là không được. Tôi thấy đa số con người ta bị người khác dẫn đi, quý vị cũng vậy. Quý vị phải có lập trường, phải có cái nhìn riêng của mình, cái nhìn chắc chắn của mình, trúng - trật gì cũng được. Trúng cũng được, trật cũng được, không cần thiết, không quan tâm đến. Đây là điều tôi đã nói nhiều lần rồi. Phải có cái nhìn riêng của quý vị, đừng để bị tôi dẫn đi. Hãy coi chừng, thận trọng! Nếu không, tôi dùng chữ là tôi dẫn đi tuốt luốt hết. Mà cũng đừng nghe tôi nói vậy mà đâm hoang mang. Quý vị phải tập phát triển trí chủ (kiến thức riêng) của mình. Cái này là tôi tập cho quý vị đó. Không có ai làm kỹ như thế này đâu nhé. Những bước cơ bản quý vị không nắm vững thì quý vị không biết đường để đi đâu.
Quý vị khác nói đi, có gì đâu mà phải dè dặt! Nhất là các quý vị trong ban biên tập, quý vị không trả lời được thì quý vị phiên tả và biên tập không sâu sắc. Lúc ấy quý vị phiên tả, biên tập sẽ dùng chữ không sâu, không biết biên tập.
Nhẫn Hạnh: Thầy ơi, Thầy lặp lại câu hỏi vì hồi nãy giờ mọi người cũng hỏi con là thầy đang hỏi gì?
Thầy Duy Tuệ: Đối tượng chính quý vị đang nghiên cứu là cái gì? Chủ đề chính hay đối tượng chính mà quý vị đang nghiên cứu suốt mười mấy năm qua là cái gì? Quý vị trả lời rồi tôi sẽ có những câu hỏi tiếp cho quý vị để quý vị ôn bài. Nguyên Trí trả lời rồi, Năng Pháp trả lời rồi, Nhẫn Hạnh trả lời rồi, còn các vị khác?
(Im lặng một lúc, chưa thấy ai trả lời)
Quý vị làm cho tôi mất hứng khi hướng dẫn quý vị. Muốn giải tán nghỉ luôn, khỏi phải hướng dẫn nữa, không có hứng thú gì. Rồi người ta hỏi quý vị học cái gì với ông Duy Tuệ thì trả lời làm sao? Quý vị bỏ công đi học là học cái gì? Bỏ công tập luyện cái gì, học cái gì? Trời, nó đơn giản như thế mà quý vị không trả lời được à?
Bảo Tánh: Cái đối tượng chính của môn học này là nghiên cứu sự thấy của chính con.
Thầy Duy Tuệ: À, nghiên cứu sự thấy của chính mình. Cũng là một câu trả lời. Nhưng trả lời có tự tin không?
Bảo Tánh: Dạ, con tự tin ạ.
Thầy Duy Tuệ: Mời thêm hai ý kiến nữa xem.
Minh Trí: Đối tượng nghiên cứu của chúng ta là nghiên cứu cách hoạt động của cái đầu của mỗi con người, trong đó có nghiên cứu về sự thấy.
Thầy Duy Tuệ: Nghiên cứu về sự vận động của cái đầu. Làm sao anh biết sự vận động của cái đầu? Cũng là một ý kiến, thêm một ý kiến nữa xem.
Bây giờ cháu của Minh Trí hỏi “Cậu học thứ gì vậy?” thì Minh Trí trả lời làm sao? Đây là căn bản nhất, căn bản trước nhất. Cái này mà quý vị trả lời không được thì tôi không biết lâu nay quý vị học cái gì, tôi chẳng hiểu được. Cho nên, quý vị chỉ gieo rắc sự nghi ngờ trong gia đình thôi. Lâu nay mình đã bị lầm lẫn này, lầm lẫn kia, bị lúng túng này, lúng túng kia, bị căng thẳng, bị đủ thứ vấn đề, không vui. Bây giờ học mấy năm rồi…
Tuệ Như Tâm Định: Nghiên cứu về sự hoạt động não bộ của con người và sự nhận thức của con với sự tồn tại, với thế giới chung quanh để phát triển trí thấy và để đưa ra hành động và cách ứng xử sao cho phù hợp với…
Thầy Duy Tuệ: Nhưng căn cứ vào cái gì, căn cứ vào đâu mà đưa ra những hành động phù hợp? Bây giờ tôi hỏi Tâm Định nghiên cứu sự thấy của mình để làm gì?
Tâm Định: Nghiên cứu sự thấy của mình để từ đó liên hệ sự tồn tại của mình với thực tế thế giới xung quanh, từ đó đưa ra những phản ứng phù hợp với thế giới chung quanh.
Thầy Duy Tuệ: Bây giờ quý vị có thừa nhận là trong xã hội loài người, có phải con người thường hay mất sai lầm? Có công nhận đúng không? Mình hay mắc sai lầm trong hành động của mình? Mình hành động xong thì có một số sai lầm gì đó chẳng hạn. Có ai trong cuộc sống hành động mà sai lầm không? Hoặc mắc sai lầm khi ra quyết định không?
Nguyên Trí: Ai cũng mắc sai lầm hết, thưa Thầy. Sai lầm nhiều!
Thầy Duy Tuệ: Nguyên Trí bảo ai cũng bị. Tâm Định có không? Biết đâu Tâm Định chưa bao giờ sai lầm thì sao?
Tâm Định: Ngày xưa con nghĩ là sai lầm nhưng bây giờ con thấy chả có gì là sai lầm cả.
Thầy Duy Tuệ: (cười) Rất có thể. Bảo Tánh, tại sao mình phải nghiên cứu cái thấy của mình vậy?
Bảo Tánh: Khi mình gia nhập vào xã hội thì các quan niệm, khái niệm, các cách nhìn của người khác, các từ ngữ… làm cho cái thấy thuần khiết của mình bị ô nhiễm và mình suy nghĩ hành động theo hướng đấy khiến nó bị sai lệch. Khi cái thấy bị sai lệch thì dẫn tới hành động và cảm xúc sai lầm…
Thầy Duy Tuệ: Ok, cảm ơn Bảo Tánh. Tôi trở lại cái câu trả lời của Tâm Định, ngày xưa có thể có sai lầm nhưng bây giờ chắc là không có sai lầm. Ok. Quý vị phải thận trọng câu tôi hỏi hay câu tôi đưa ra nhé. Quý vị phải cân nhắc cho kỹ, nói theo cách nhìn của quý vị thôi chứ đừng bị dính vô cái chữ tôi dùng. Ví dụ bây giờ tôi dùng chữ “sai lầm” thì quý vị rất dễ bị dính vô chữ “sai lầm”. Phải coi chừng! Đây là tôi tập cho quý vị một vấn đề hết sức tinh vi. Đa số chúng ta nghe chữ này chữ kia là rất dễ bị lẫn lộn.
Tôi đưa ra một ví dụ thế này: Có một cô yêu quê hương lắm. Trong khi người chồng lại quyết định rời xa quê hương và dẫn vợ con theo, đến sống ở một xứ xa. Ông chồng nói với cô vợ: “Thôi, bà không chịu đi thì tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi. Tôi bây giờ không ở quê nữa mà phải sống ở xứ khác mới có việc làm”.
Nếu cô này nghe lời anh chồng mà đi thì sẽ nhớ quê hương, chịu không được. Mà nếu ở lại thì buộc phải ly dị chồng. Bởi vì chồng đã nói rất rõ “không đi là ly dị thôi”. Ông chồng nếu không có cô đi theo thì ổng cũng có thể kiếm cô khác.
Bây giờ, nếu cô đó nói cô quyết định ở lại quê hương, có thể cô sẽ sai lầm. Hoặc cô quyết định theo chồng bỏ quê hương thì cô cũng có thể sai lầm. Cho nên, quý vị coi chừng dính vô chữ “sai lầm” này nhé. Coi chừng đó.
Căn cứ vào đâu anh nói “sai lầm”? Không phải trường hợp nào anh cũng sai lầm. Phải coi chừng, khi dùng khái niệm “sai lầm” thì dễ bị mơ hồ, rất mơ hồ. Thế nào là sai lầm? Cho nên Tâm Định trả lời “Bây giờ chắc là không sai lầm” thì phải coi chừng. Bây giờ quý vị thấy sợ chưa? Thấy mình phải đề cao cảnh giác với khái niệm đang dùng chưa?
Tâm Định: Dạ có.
Thầy Duy Tuệ: Ok. Quý vị nhớ là hôm nay tôi tập dợt cho quý vị, tôi đánh võ với quý vị để quý vị có một cái thấy không bị dính bởi một cái gì hết. Nếu không, quý vị thấy cái gì là dính cái nấy, thấy cái gì là dính cái nấy. Bây giờ tôi đưa chữ ra quý vị dính ngay. Như tôi vừa hỏi xưa nay quý vị có tin rằng mình có sai lầm không? Thì quý vị dính vô cái chữ “sai lầm” liền. Chỉ có tôi đem ra “dợt” quý vị chứ ai mà “dợt” kiểu này đâu, không ai ở không mà dợt kiểu này cả. Có lẽ vì tôi thương quý vị quá, lo cho quý vị quá. Tôi “dợt” quý vị cho nhuần nhuyễn đi rồi tôi chào quý vị, vĩnh biệt quý vị cho nó xong cho rồi. Do đó tôi nóng ruột, tôi muốn làm cho quý vị thấy cái gì rõ cái đấy.
Cũng như bây giờ tôi liên tưởng tới sắp tới Bảo Tánh sẽ có một số quyết định. Tôi ví dụ vậy đi. Bấy giờ, Bảo Tánh mới phân vân: “Mình học vấn đề thấy với Thầy rồi. Bây giờ mình hiểu rất rõ cái thấy của mình rất dễ bị ảnh hưởng bởi quá nhiều video clip chứa trong đầu. Nhưng bây giờ mình phải nhìn để quyết định chứ, không nhìn thấy thì làm sao quyết định được?”
Nhưng quyết định làm sao để tránh sai lầm?
Gay go là ở chỗ này. Vậy Bảo Tánh trả lời làm sao? Cái này là thú vị lắm à! Bữa nay quý vị học bấy nhiêu là đủ vốn, đủ lãi rồi đó.
Bảo Tánh: Đầu tiên là con phân tích những gì ảnh hưởng lên suy nghĩ và cảm xúc của con khi con nghĩ về những vấn đề phải quyết định. Và con cố phân tích càng nhiều góc cạnh càng tốt. Có thể khi đó con sẽ nhìn ra là con cần phải giải quyết như thế nào. Và khi đã quyết định rồi thì kết quả như thế nào cũng sẽ không quan trọng, vì cái cảm giác tự do của mình khi ấy. Có chuyện này nữa, nếu chuyện gì xảy ra tiếp theo thì con coi nó như là đối tượng để con tiếp tục khám phá sự thấy của con. Nếu việc tiếp theo có đúng với con hay không thì cũng có tác dụng tích cực đối với con.
Thầy Duy Tuệ: Hôm nay tôi ngồi ngoài bờ biển này và đột xuất tặng cho quý vị một món quà vô giá. Món quà này tôi không có dự định trước. Ngồi đây, nói chuyện chơi với quý vị thì nó ra vậy thôi, chứ tôi không có ý định và không biết trước. Nhưng tôi thừa nhận đây là một món quà vô giá, tôi đang tặng quý vị một món quà vô giá. Nếu quý vị suy tư cho thiệt sâu, nhìn cho thiệt kỹ thì quý vị sẽ thấy đây là món quà vô giá cho cuộc đời quý vị.
Tôi hỏi Bảo Tánh là, Bảo Tánh sắp tới sẽ có một số quyết định quan trọng, liệu Bảo Tánh có lo rằng có sự sai lầm trong các quyết định đó không? Tại sao?
Coi chừng tôi dùng chữ nghen. Phải tỉnh táo khi tôi dùng chữ. Quý vị đừng bộp chộp mà không để ý tới cách tôi dùng chữ. Quý vị có đủ cơ sở xem xét câu chữ tôi dùng, rồi xoay sở sao để không bị dính vô những chữ đó. Hàng ngày quý vị đi ra ngoài giao tiếp đều bị dính hết. Bây giờ tôi cũng đang cho quý vị dính. Phân tích cho kỹ những cái chữ tôi dùng trước khi trả lời.
Cái này lý thú lắm! Tôi đang tặng cho quý vị món quà vô giá đó. Tôi nói trước luôn là không có gì trả cho tôi được đâu. Nếu quý vị khác hiểu được cái này thì cảm ơn Bảo Tánh hôm trước có gởi cho tôi loại mắm truyền thống (Cười sảng khoái). Mắm truyền thống này nếu không quen thì khi mở ra mình cũng mệt lắm đó. Nhưng tôi vẫn bảo cô Tịnh Tuệ pha cho tôi mắm đó, tôi gọi là mắm có mùi thơm sâu thẳm. Và tôi đã thưởng thức cái mắm đó để nhớ quê hương xứ sở, nhớ ngày xưa gia đình mình một thời gian cũng sống bằng nghề sản xuất mắm và nhớ là hồi nhỏ đi học mình cũng thường ăn cái mắm đó. Nhiều khi về không có gì ăn thì ăn cơm với mắm, cũng ngon lắm. Cảm ơn Bảo Tánh nhé.
Đấy, câu hỏi như vậy Bảo Tánh trả lời đi.
Bảo Tánh: Một cách đặt câu hỏi để phân tích các hình ảnh chiếu lên đối tượng là con phân tích những từ ngữ, những quan niệm… liên quan đến những suy nghĩ của mình. Để có những quyết định sao cho không bị sai lầm thì con cũng phải suy nghĩ “quan trọng” là như thế nào? Cái gì là quan trọng nhất đối với cuộc đời mình bây giờ? Hoặc thế nào là “sai lầm”? Con có thể đi từ hướng đấy để gỡ dần những trói buộc.
Thầy Duy Tuệ: Nếu quý vị sâu sắc một chút xíu thì trả lời gọn nhẹ lắm. Hy vọng Tâm Định trả lời rõ hơn. Tâm Định trả lời rõ hơn được không? Nếu sắp tới mà Tâm Định có một số quyết định quan trọng thì liệu Tâm Định có sợ bị sai lầm không? Quý vị nhớ chuyện này là tôi đang xài chữ với quý vị đó, coi chừng dính vô chữ.
Nguyên Trí: Thưa Thầy, nếu là con có một số quyết định quan trọng, theo như hồi xưa thì con cũng nghĩ là: Ừ, mình phải coi thử quyết định nó sai lầm hay là không sai lầm. Nhưng bây giờ thực sự con thấy sự sai lầm không có.
Sai lầm thì căn cứ trên cái gì mà sai lầm? Nếu anh đứng ở chỗ này thì anh thấy là sai lầm, nhưng anh đứng ở góc khác thì anh thấy không sai lầm. Trong hoàn cảnh này đối với anh thì anh cần một số quyền lợi gì đó, nó thỏa mãn gì đó mà anh coi nó không sai lầm, nhưng đối với người khác thì nó vô cùng tai hại thì sao?
Như vậy, nếu con có một số quyết định quan trọng thì vấn đề của con là liệu mình quyết định như thế này thì nó có phù hợp với hoàn cảnh của mình lúc đó không? Nó có mang lại cho mình nhiều cái lợi không? Nó có mang lại sự an toàn về thân thể, tính mạng, về sự bình yên trong đầu óc? Nếu nó liên đới với những người chung quanh, nhất là những người thân của mình thì nó có mang lại cái lợi, cái hiệu quả gì cho người thân của mình không? Và trên cơ sở đó, mình lấy cái đó mình làm cái tiêu chí rồi mình đưa ra hành động của mình.
Chúng ta không nên căn cứ vào sự sai lầm nữa. Vì khi chúng ta nói về sự sai lầm thì chúng ta mang nó vào cái cảnh mà ở đó nó có khái niệm và định nghĩa. Mà khái niệm, định nghĩa thì chỉ tương đối, mơ hồ và không đúng. Ở chỗ này anh thấy nó đúng, còn qua góc khác thì anh thấy nó không đúng.
Ví dụ về phong tục tập quán thì người châu Âu cho phép anh em họ lấy nhau, nhưng người Việt Nam nếu anh chị em họ lấy nhau thì người ta gọi là loạn luân. Như vậy cũng là vấn đề đạo lý, nhưng dân bên trời Âu và dân Việt Nam thì khác nhau một trời một vực. Vậy thì anh lấy cái gì mà cho là đạo lý là đúng? Vì cái đạo lý ở bên này nó khác với đạo lý ở bên kia. Bên kia họ tuân theo cái đó họ vẫn sống hạnh phúc. Mình tuân theo cái này mình vẫn sống hạnh phúc.
Như vậy, vấn đề là mình sống làm sao cho nó phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với môi trường, phù hợp với điều kiện sống của mình, nó mang lại cho mình nhiều sự lợi lạc, nó mang lại cho người chung quanh mình nhiều sự lợi lạc. Tốt nhất là nó có lợi cho mình và có lợi cho người khác. Và có tệ hơn nữa là có lợi cho mình nhưng đừng gây hại cho người khác.
Thầy Duy Tuệ: Nguyên Trí lúc này càng ngày càng có vẻ lanh trí nhỉ. Trở về “nguyên trí” thì lanh hơn. Giỏi đó. Cũng tương đối khá rõ rồi.
Bây giờ Nguyên Trí trả lời như vậy, có người nào phản biện lại Nguyên Trí không?
Nhãn Biến: Trước khi đi đến những quyết định đó thì con để cho đầu óc ở trạng thái ok nhất để con xem xét vấn đề. Con cho rằng khi đầu óc ok thì con quyết định nó không sai lầm…
Thầy Duy Tuệ: Như thế là coi chừng vô bẫy đó nghen chứ không giỡn chơi đâu. Bây giờ làm sao chờ đợi cho cái đầu mình nó ok nhất, cái thấy mình nó ok nhất để mình quyết định không có sai lầm?
Cảm ơn Nhãn Biến. Mời quý vị khác.
Hôm nay tôi tặng quý vị một món quà vô giá. Nếu người nào mà lanh trí đi sâu vô chỗ này thì từ nay về sau quý vị sẽ thấy là tôi gỡ cho quý vị rất nhiều vấn đề…
Minh Trí: Con phản biện lại anh Nguyên Trí là khi anh xem xét vấn đề thì con thấy anh ấy vẫn còn liên quan đến lợi ích của bản thân và người thân của mình…
Nếu con có một số quyết định nào trong cuộc đời thì nó phải phụ thuộc vào hoàn cảnh của mình lúc đó. Bất cứ khi một vấn đề nào mình đưa ra thì luôn luôn nó có mặt trái và mặt phải. Như chị Bảo Tánh nói khi mình đưa ra quyết định thì hạn chế sai lầm ở mức thấp nhất. Ở khía cạnh đó thì nó vẫn hiểu theo kiểu của mình. Nhưng cái hiểu của mình thì nó có giới hạn… Nếu con quyết định một số vấn đề nào đó thì con tự hỏi nếu mình quyết định những vấn đề đó thì đầu óc mình có bình yên hay không? Và khi mình đã xác định tư tưởng như vậy thì mình sẽ làm cho dù chuyện đó thành hay là không thành.
Thầy Duy Tuệ: Nói chung là cũng khá. Giỏi. Bắt đầu sâu vô rồi đó.
Nguyên Trí: Khi mình làm một việc gì đó thì thường thường là người ta căn cứ trên quyền lợi của bản thân của người ta trước. Hoặc là mục đích đó nó đòi hỏi quyền lợi của một cộng đồng nhỏ chung quanh họ hay quyền lợi của một cộng đồng lớn chung quanh họ, hay quyền lợi của môi trường, của thiên nhiên họ đang sống… Tùy vào mục đích đặt ra mà họ có quyết định phù hợp chứ vấn đề này nó không liên quan đến vấn đề cá nhân hay không cá nhân…
Nhãn Biến: Con đồng ý với quan điểm của anh Nguyên Trí…
Thầy Duy Tuệ: Tôi phân tích chỗ này, cái này hay lắm quý vị để ý nhen!
Bây giờ quý vị đang phân tích theo cái thấy của quý vị để quyết định mà không sợ sai lầm hay tránh sai lầm. Nếu trả lời như vậy thì có ổn không?
Nguyên Trí: Dạ, Thầy nhắc lại một lần nữa.
Thầy Duy Tuệ: Quý vị nói rằng không sợ sai lầm, vì quý vị nghiên cứu tính chất của mình thấy để loại dần loại dần những ảnh hưởng trong đầu ra, rồi xét hoàn cảnh nữa thì quyết định sẽ không sợ sai lầm. Quý vị trả lời như vậy liệu có ổn không hay là vẫn cứ lúng túng?
Tâm Định: Hồi nãy anh Nguyên Trí nói vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng hay cá nhân ở hiện tại… Như Thầy chẳng hạn, lúc Thầy bỏ gia đình ra đi thì rõ ràng là thấy gia đình Thầy mất quyền lợi…
Thầy Duy Tuệ: Bởi vì anh thấy có quyền lợi hay không có quyền lợi chứ tôi đâu có thấy gì đâu. Tôi quyết định là tôi quyết định chứ tôi đâu có để ý gì lợi hay không lợi đâu. Vì con người của tôi là tôi quyết tâm khám phá chuyện chưa biết, còn chuyện biết rồi thì đủ rồi. Cứ thế tôi làm thôi. Tôi giữ vững quyết tâm của mình là cần phải biết chuyện chưa biết, còn chuyện biết rồi thì như vậy đã đủ. Và cứ thế tôi làm.
Quý vị coi chừng chữ “sai lầm”. Mà quý vị thấy người ta nhan nhản dùng chữ “anh kia quyết định sai lầm, cô bé đó quyết định sai lầm”. Chúng ta sử dụng chữ “sai lầm” và chúng ta nghe người ta nói chữ “sai lầm” này liên tục. Và mọi người cứ “Mấy đứa này nó học với ông Duy Tuệ là rất sai lầm”. Rồi ông Duy Tuệ ổng nói lại là “Mấy người mà học theo mấy ông kia cũng rất sai lầm”. Vậy thì biết chừng nào giải quyết xong cái chuyện “sai lầm”. Bây giờ bảo “Phía tôi đông hơn, tôi bỏ phiếu nhiều hơn là không sai lầm; phía ông ít hơn, bỏ phiếu ít hơn là ông sai lầm”. Anh biết làm sao là sai lầm hay không? Và như thế, người đứng trong hoàn cảnh đó liên tục mê mờ, không biết chuyện gì trúng, chuyện gì sai hết. Bởi vì anh cứ dính mãi vô chuyện sai lầm.
Rồi bây giờ anh nói để tránh sai lầm thì mình ngồi nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích tính chất thấy của mình, vì mới học “võ thấy” mà. Anh làm ngon lắm, đại loại: Bây giờ mình nghiên cứu tính chất thấy của mình nó có ảnh hưởng từ đâu không, để mình quyết định là không sợ sai lầm. Thì cũng dính nữa, anh cũng dính sai lầm nữa.
Có anh khác lại bảo nhớ lại hôm trước Thầy nói là phải nghiên cứu bản chất cái vật mình xem, cái đối tượng mình xem xét để mình quyết định cho chắc ăn, phù hợp với bản chất đó thì mình không sợ sai lầm. Thì cuối cùng anh cũng dính vô chữ sai lầm nữa. Hồi nãy tôi nói với quý vị rồi, tôi gài bẫy quý vị chữ “sai lầm” đó.
Như hồi nãy Tâm Định hỏi “Hồi đó Thầy quyết định Thầy đi, Thầy bỏ, bất chấp quyền lợi của gia đình, bất chấp quyền lợi cá nhân của Thầy. Hồi đó thì gia đình cũng phản đối nhưng một thời gian sau thì gia đình cũng ổn định… và cũng thấy ít nhiều gì nó cũng có quyền lợi này, quyền lợi khác, ít ra là quyền lợi về tinh thần”. Vậy thì cũng dính vô chỗ quyền lợi nữa. Anh sẽ xà quần, xà quần dính vô đó nữa. Hoặc là anh dính vô quyền lợi, hoăc anh dính vô sai lầm hay không sai lầm để anh điều chỉnh cái thấy của anh là càng chết nữa. Anh sẽ dính đòn liên tục.
Cho nên tôi đã nói với quý vị rồi, cái chuyện từ ngữ (xin lỗi tôi nói hơi thô bạo một chút,) dẹp bớt, vứt quách thùng rác bớt đi. Tất cả những chữ mình dùng đều bị dính đòn hết! Tại vì, bây giờ nếu tôi không có bàn tới chuyện quyền lợi của quý vị thì quý vị không khoái nghe, cho nên buộc tôi phải lấy quyền lợi, quyền lợi, quyền lợi… ra tôi nói. Nhiều khi mình cứ nghĩ là vì quyền lợi mà mình hành động thì chưa chắc đã đem lại quyền lợi. Hay khi mình hành động, mình hy vọng có quyền lợi thì cũng chưa chắc đã có quyền lợi.
Cho nên nếu vì những quyền lợi, hay tránh sai lầm để chúng ta quyết định thì chúng ta phải coi chừng. Cái đó nó dính trong đầu mình, phải coi chừng! Nghe thì rất hợp lý. Nó phải có lợi mới quyết định chứ, nghe rất hợp lý. Nó quyết định để tránh sai lầm chứ, nghe rất hợp lý, mới nghe qua rất hợp lý. Nếu mình chống lại điều này thì người ta bảo chắc là mình học cái vụ điên điên khùng khùng gì, không thực tế. Và người ta nói việc căn cứ trên quyền lợi để quyết định và căn cứ trên quyền lợi để tránh những tránh sai lầm đó là thực tế. Tất cả những người bảo thực tế quý vị thấy không, cuộc sống của họ lúc nào cũng căng thẳng, không dễ sống, không dễ chịu lúc nào đâu.
Quý vị thấy cái đối tượng của chúng ta nghiên cứu chính là chúng ta nghiên cứu sự thấy của chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta nghiên cứu chính sự thấy của chính chúng ta?
Mời quý vị đón xem phần cuối.
Quý vị có thể xem lại phần video tại đây: http://duytue-thailan2012.blogspot.fr/2012/11/video-ung-dung-vo-thay-061112.html
Mọi hỗ trợ hoạt động giảng bài của Thầy Duy Tuệ tại Thái Lan xin quý Hiền giả vui lòng gửi về cho Hiền giả Tuệ Tri:Xin chân thành cảm ơn
Số điện thoại: +84-982252550
Hiền giả trong nước có thể gửi qua TK:
NH Vietcombank Trung Ương
Số TK: 0011000459074
Chủ TK: Trương Thị Thanh Hà
Hiền giả nước ngoài gửi qua TK:
Chủ Tài khoản: Trương Thị Thanh Hà
Tên ngân hàng: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
Swift code: BFTVVNVX
SỐ TÀI KHOẢN: 0011373 999 326
Nhóm biên tập Pattaya
0 nhận xét:
Đăng nhận xét